MUỐN BIẾT BẠN CÓ PHẢI NGƯỜI TỐT SỐ HAY KHÔNG, CHỈ CẦN NHÌN 1 ĐẶC ĐIỂM
Đời người vốn không mỏi mệt, mà mệt mỏi đến từ sự tranh giành, so đo. Cuộc sống có phiền não, không phải bởi thứ ta đạt được quá ít, mà bắt nguồn từ việc ta tham lam quá nhiều.
Không ít người trong chúng ta đều khát cầu một cuộc đời hoàn mỹ. Nhưng sự thực là từ cổ chí kim, nào có ai sở hữu cuộc sống viên mãn về mọi mặt?
Trời cao sẽ chẳng dành riêng cho ai tất cả hạnh phúc trên thế gian này. Vậy nên người có được tình yêu đẹp chưa chắc đã giàu có, người nhiều tiền chưa chắc đã vui vẻ, người vui vẻ chưa chắc có sức khỏe, mà người khỏe mạnh chưa chắc đã được mọi chuyện như ý muốn.
Nhân sinh vốn không khổ ải, chỉ là chúng ta tham vọng quá nhiều mà thôi. Đời người vốn không mỏi mệt, mà mệt mỏi đến từ sự tranh giành, so đo. Cuộc sống có phiền não, không phải bởi thứ ta đạt được quá ít, mà bắt nguồn từ việc ta tham lam quá nhiều.
Thế nên, biết đủ, biết mãn nguyện là cách duy nhất để có hạnh phúc và người biết đủ chính là người tốt số nhất!
1. Người càng trải đời, càng biết đủ
Cổ nhân có câu: “Gia tài bạc triệu, ngày cũng chỉ ăn đến ba bữa. Nhà cửa vạn gian, đêm vẫn ngủ trên chiếc giường sáu thước”.
Liệu rằng sự giàu có về vật chất có thực sự đem lại cho chúng ta vui vẻ, hạnh phúc hay không? Kỳ thực không phải!
Năm xưa, Châu Nhuận Phát từ thanh niên chẳng có lấy một xu dính túi đã trở thành tỷ phú. Nhưng trải qua bao sóng gió, ông dần nhìn thấu cuộc đời này. Vì vậy, tài tử họ Châu đem phần lớn khối tài sản khổng lồ của mình mang đi quyên góp.
Ông nói: “Tất cả số tiền ấy vốn không phải của tôi, chẳng qua là tôi kiếm được, nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là tôi muốn sở hữu chúng”.
Trong số các ngôi sao, người có vẻ ngoài giản dị nhất chính là Châu Nhuận Phát. Ông có thể thoải mái mặc một chiếc quần jean bình thường, ăn những món bình dân trong cửa hàng tiện lợi, chân đi đôi dép 15 tệ thản nhiên ra đường phố mua sắm.
Tài tử họ Châu từng nói: “Tôi cảm thấy những thứ quần áo này không phải mặc cho người khác nhìn, chỉ cần mình thoải mái là được, cho nên tôi sẽ không mua đồ đắt tiền”.
Châu Nhuận Phát không ngồi xe sang, không thích đi du thuyền, càng không thuê tài xế, vệ sĩ. Mỗi khi ra ngoài, ông chỉ thích dắt tay vợ mình, cùng những người bình thường đi xe buýt, tàu điện ngầm, ca nô…
Vì thế mà người Hồng Kông thường truyền tai nhau câu nói:
“Muốn gặp các minh tinh lớn, phải đến những trung tâm mua sắm xa xỉ, nhưng muốn gặp Châu Nhuận Phát thì hãy đi tàu điện, đứng ở trạm xe buýt, ghé thăm chợ đồ ăn là có thể nhìn thấy”.
Bản thân ngôi sao này từng chia sẻ: “Mỗi người có định nghĩa khác nhau về sự vui vẻ. Với người khác, niềm vui của họ có thể đến từ việc kiếm nhiều tiền, ngày ngày ăn bào ngư quý giá, đi xe sang, chơi golf…
Còn niềm vui của tôi đến từ sự bình thản và giản đơn, thân thể không đau ốm, bệnh tật đã là phúc phần lớn nhất mà ông trời ban cho rồi.
Lý tưởng của tôi là được làm một người bình thường và vui vẻ. Khi càng trải đời, bạn sẽ phát hiện ra rằng, khó khăn chân chính trong cuộc đời không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, mà là làm cách nào để giữ cho mình một cuộc sống thanh thản, bình dị nhưng vẫn vui vẻ”.
Những người càng từng trải sẽ càng biết thỏa mãn. Bởi họ hiểu hơn ai hết một chân lý: Hạnh phúc thực sự không nằm ở việc có bao nhiêu tài sản, mà nằm ở một nội tâm vui vẻ mãn nguyện.
2. Biết đủ chính là hạnh phúc
Hạnh phúc rốt cục là gì?
Đối với người nghèo, hạnh phúc chính là có tiền, thậm chí càng nhiều càng tốt.
Người giàu có tối ngày bận bịu thì quan niệm, rảnh rỗi mới là hạnh phúc.
Những bệnh nhân ngày ngày đối mặt với tử thần để giành giật sự sống luôn tin rằng, còn sống mới đích thị là hạnh phúc.
Với người ăn mày, hạnh phúc đơn giản chỉ là có miếng cơm ăn.
Hay đối với những người đã mất đi cha mẹ, phụ mẫu khỏe mạnh mới là thứ hạnh phúc mà họ luôn tìm kiếm.
Chúng ta vẫn thường ngẩng đầu ngưỡng vọng và hâm mộ những người có được thứ mình không có. Kỳ thực, khi ngoảnh đầu lại, bạn sẽ phát hiện ra có không ít người cũng đang ao ước và khát khao được như bạn.
Vậy mới nói, người biết đủ, biết quý trọng thì mới có được hạnh phúc thực sự.
Thời nhà Minh có một người nông dân tên Hồ Cửu Thiền, gia cảnh nghèo khổ, vừa phải nuôi con ăn học, vừa phải trồng trọt, cấy cày, khó khăn lắm mới đủ ăn đủ mặc.
Nhưng mỗi ngày vào lúc hoàng hôn, Hồ Cửu Thiền luôn ra cửa thắp hương cảm tạ trời đất đã ban cho mình một ngày hạnh phúc và bình an.
Có lần, thê tử của ông không khỏi thắc mắc: “Nhà chúng ta ba bữa một ngày đều phải ăn cháo, đâu có thể coi là hạnh phúc?”
Hồ Cửu Thiền từ tốn đáp: “Chúng ta may mắn có cuộc sống ở thời thái bình, không gặp chiến loạn. Một nhà lớn nhỏ có ăn có mặc, không đến nỗi đói rét, cũng chẳng ai bệnh tật, không có người bị bắt giam. Đó chẳng phải hạnh phúc hay sao?”
Hạnh phúc không phải là có được thật nhiều, mà chỉ đơn giản là một gia đình tràn ngập tiếng cười, cả nhà bình an, dồi dào sức khỏe.
Cũng giống như nhà văn nổi tiếng Lâm Ngữ Đường từng quan niệm:
“Hạnh phúc của đời người, đơn giản chỉ gói gọn trong 4 chuyện: Một là ngủ trên chiếc giường trong nhà mình. Hai là ăn thức ăn do cha mẹ nấu. Ba là nghe người yêu tâm tình. Bốn là chơi đùa cùng con cái”.
Hạnh phúc vốn không phải ở nơi nào xa xôi, mà hiện hữu ngay bên cạnh chúng ta. Cho nên, biết đủ mới mới đích thị là hạnh phúc đích thực.
3. Biết đủ cũng là một kiểu thông minh
Phật dạy: “Người biết đủ, tuy nằm trên đất nhưng vẫn thấy an vui. Người không biết đủ, dù có ở trên thương đường cũng chẳng thấy vừa ý”.
Người biết đủ mới chính là người giàu có nhất thiên hạ. Họ vốn không cần tới quá nhiều của cải vật chất để khỏa lấp sự trống rỗng nơi trong tâm can, vì tâm hồn của họ vốn đã đủ giàu có.
Chuyện xưa kể rằng, có một vị đại sư tên Hoằng Nhất, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn nở nụ cười, đối xử với bản thân hay chúng sanh đều toát lên sự nhân từ và vui vẻ.
Một ngày kia, bạn cũ của Hoằng Nhất pháp sư đến thăm ông. Bữa cơm ngày hôm đó của họ chỉ có cơm trắng cùng dưa muối.
Nghĩ tới Hoằng Nhất trước khi xuất gia từng có một cuộc sống sang giàu, ngày ngày ăn sơn hào hải vị, người bạn cũ của ông không khỏi chua xót mà hỏi: “Chẳng lẽ ngài không chê dưa muối quá mặn hay sao?”
Hoằng Nhất đại sư mỉm cười nói: “Mặn có mùi vị của mặn”.
Cơm nước xong xuôi, Hoằng Nhất rót một cốc nước trắng, chậm rãi uống, dáng vẻ thưởng thức rất mực từ tốn.
Nhớ tới bạn mình xưa kia đều uống trà thượng hạng, người bạn cũ lại cau mày mà hỏi: “Không có lá trà sao? Nước nhạt như vây, ngài uống sao nổi?”
Hoằng Nhất cười và đáp: “Nhạt cũng có vị của nhạt”.
Nhân sinh vốn có không ít cay đắng ngọt bùi, muôn vị đều đủ. Mặn có mùi vị của mặn, nhạt có tư vị của nhạt, nghèo có cái thú của nghèo, giàu có cái hay của giàu.
Học cách biết tự mãn nguyện, vui vẻ trải nghiệm từng giây phút của cuộc sống mới có thể tự mình bước đi thật tốt trên con đường phía trước.
Mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời, nếu cứ mải mê theo đuổi quá nhiều ham muốn sẽ nhanh chóng mệt mỏi. Trong khi đó, niềm hạnh phúc đơn giản là xuất phát từ một tâm hồn biết hài lòng, còn sự vui vẻ thì đến từ một tâm hồn giàu có.
Sinh mệnh này vốn thuộc về chúng ta, không cần thiết phải cố gồng mình lên để sống cho người khác nhìn.
Vì thế, hãy nỗ lực sao cho ngày hôm nay càng vui vẻ, hạnh phúc hơn hôm qua để không uổng phí cuộc đời này, để không sống mòn, chết mòn.
Nguồn: Taqpchihoaky
#goctinhtam
Comments
Post a Comment